1. Hiểu thế nào về thuật ngữ cơ cấu ngành?
Cơ cấu ngành (structure of industry) là hoạt động sản xuất của nền kinh tế được phân loại thành các nhóm lớn và gọi là khu vực và các nhóm nhỏ hơn và gọi là ngành. Hệ thống phân ngành do Liên hợp quốc để nghị được gọi là hệ thống phân ngành tiêu chuẩn (ISIC)
Thông thường nền kinh tế được chia thành 3 khu vực cơ bản: (1) khu vực sơ chế hay khai thác, bao gồm các ngành sản xuất nguyên liệu và trồng trọt, chăn nuôi; (2) khu vực thứ cấp hay chế biến, bao gồm các ngành chế biến, xây dựng, điện nước; và (3) khu vực dịch vụ, bao gồm các ngành bán lẻ, thông tin, ngân hàng, du lịch.
Tầm quan trọng tương đối của mỗi khu vực có xu hướng thay đổi khi nền kinh tế phát triển theo thời gian. Nhìn chung, các nước đang phát triển có khu vực sơ chế lớn, khu vực công nghiệp và dịch vụ nhỏ, ngược lại các nước phát triển có khu vực sơ chế nhỏ, khu vực công nghiệp và dịch vụ lớn. Trong những năm gần đây, hầu hết các nước tiên tiến nhất đều có sự suy giảm trong các ngành công nghiệp và sự gia tăng tương ứng của các ngành dịch vụ.
Sau hơn 30 năm đổi mới, cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ thuần nông thành cơ cấu công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, hướng tới trở thành một nước công nghiệp và phát triển ngành dịch vụ.
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Việt Nam
2.1. Khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động và chuyển đổi của các ngành nghề, các thành phần kinh tế sao cho phù hợp với năng lực, trình độ của lực lượng sản xuất tương ứng với điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nhóm ngành phát triển mạnh hơn thì tỷ trọng của những ngành đó sẽ tăng trong cơ cấu kinh tế. Ngược lại những nhóm ngành kém phát triển hơn thì tỷ trọng sẽ giảm.
2.2. Các khía cạnh thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
* Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế:
Cơ cấu ngành kinh tế là là mối quan hệ về số lượng (bao gồm cả số lượng ngành và tỷ trọng mỗi ngành) và chất lượng ngành kinh tế trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo tiêu chuẩn phân loại ngành của Liên Hợp Quốc, có thể phân loại thành 3 nhóm ngành lớn:
+/ Khu vực I: Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
+/ Khu vực II: Công nghiệp, xây dựng
+/ Khu vực III: Dịch vụ
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là sự vận động, phát triển của các ngành kinh tế làm thay đổi vị trí và tỷ trọng của chúng cho phù hợp với năng lực sản xuất và phân công xã hội. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam đang diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng ở khu vực I, tăng tỷ trọng ở khu vực II và III. Ngoài ra trong từng khu vực cũng có sự phân hóa rõ rệt:
+/ Ở khu vực I: Xu hướng là giảm tỷ trọng của các ngành lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng ngành khai thác, nuôi trồng – thủy hải sản.
+/ Ở khu vực II:Tỷ trọng ngành công nghiệp khai thác giảm đi trong khi ngành công nghiệp chế biến tăng để phù hợp với yêu cầu thị trường
+/ Ở khu vực III: Phát triển lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị.
* Chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế:
Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế được đặc trưng bởi hình thức sở hữu tư liệu sản xuất nhất định.
Cơ cấu thành phần kinh tế là cơ cấu tổ chức kinh tế mà mỗi bộ phận hợp thành là một thành phần kinh tế. Sự hình thành cơ cấu thành phần kinh tế dựa trên cơ sở hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.
Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế là sự thay đổi về số lượng thành phần kinh tế hoặc thay đổi về tỷ trọng số lượng hàng hóa và dịch vụ mà thành phần kinh tế tạo ra trong GDP.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 4 thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay, đó là: Thành phần kinh tế nhà nước; thành phần kinh tế đoàn thể, hợp tác xã; thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài Hiện nay nước ta đang chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.